Mô hình trồng nấm rơm trong nhà: Một số kỹ thuật cần lưu ý

Cách đây vài năm, phong trào trồng nấm rơm phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở huyện Mộ Đức (với khoảng hơn 100 hộ dân tham gia, chủ yếu ở các xã Đức Nhuận, Đức Hoà và Đức Lân). Sau một thời gian thực hiện, tuy có nhiều hộ thành công đem lại lợi nhuận cao, nhưng cũng có không ít hộ thất bại, phải bỏ nghề. Một trong những nguyên nhân chính là do bà con thực hiện yếu tố kỹ thuật chưa nghiêm túc.
“Trồng nấm rơm không tốn nhiều tiền đầu tư nguyên liệu, nhanh thu hoạch, sản phẩm dễ tiêu thụ, nhất là vào ngày rằm, mồng một. Tuy nhiên để trồng nấm đạt năng suất cao và chất lượng nấm tốt thì phải đảm bảo 3 yếu tố. Đó là xử lý nguyên liệu trước khi cấy meo giống, chất lượng giống và nhiệt độ trong nhà nấm…” Đó là kinh nghiệm được đúc kết qua 6 năm làm nghề nấm của ông Nguyễn Văn Bốn (ở thôn 2, Đức Nhuận).

Bắt đầu sản xuất từ năm 2002, trải qua không ít lần thất bại, nhưng nhờ sự kiên trì, chịu khó đúc rút kinh nghiệm, hiện nay vợ chồng ông Bốn là những người sản xuất nấm giỏi. Hiện tại gia đình ông có 5 nhà sản xuất nấm (mỗi nhà khoảng 60m2), cung cấp nấm thường xuyên cho thị trường (trung bình mỗi tháng ông xuất bán khoảng 3 tạ nấm, với giá 35.000 đồng/kg). Ông cho biết: Ngày nào có bao nhiêu nấm là ông bán hết bấy nhiêu, nhất là vào ngày rằm, mồng một, nấm thường bán được giá cao (khoảng 50.000 đồng/kg). Như vậy với giá nấm dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, hàng tháng ông thu 9-10 triệu đồng từ nấm.
 
Thành công trong nghề trồng nấm còn có ông Dương Ngọc Sơn (ở thôn 2, Đức Nhuận). Đến nay ông đã mở rộng diện tích trồng nấm lên 1.000m2. Trung bình mỗi tháng ông hái 1,5 tạ nấm, thu về 5-6 triệu đồng. Ông Dương cho biết: “Nghề nấm này không khó nhưng cũng không dễ, người trồng phải thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn, mới đạt kết quả. Nếu không giữ nhiệt độ trong nhà nấm ổn định thì nấm lên không như ý muốn hoặc bị hư hỏng. Xử lý nguyên liệu không chu đáo là năng suất sẽ thấp”. Theo kinh nghiệm của ông Sơn, trong 5 ngày đầu để bánh rơm lên kệ không được xê dịch, vì sẽ làm đứt tơ ảnh hưởng đến năng suất. Nấm là loại mẫn cảm, không để người lạ vào, dễ bị nhiễm bệnh. Ưu điểm của nghề trồng nấm là sản xuất quanh năm (kể cả mùa mưa) miễn làm sao phải đảm bảo được nhiệt độ thích hợp, để nấm phát triển. Sản xuất nấm tại nhà vừa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, vừa tận dụng được sức lao động nông nhàn.
 
Đó là hai trong số những hộ thực hiện thành công mô hình này. Hiện tỉnh ta có khoảng 150 hộ sản xuất nấm đạt hiệu quả kinh tế cao và đang tiếp tục mở rộng với quy mô lớn hơn (chủ yếu là ở Nghĩa Hành và Mộ Đức). Tuy nhiên con số đó vẫn quá nhỏ so với con số khoảng 500 hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2005 đến năm 2007 tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Nhưng đến nay nhiều hộ trong số này đã bỏ nghề, vì trồng nấm không đạt, nấm không phát triển, bị hư hỏng nặng. 
 
Theo ông Hồ Sỹ Thận – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thì nguyên nhân thất bại là do, nhiều hộ dân chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật trong các khâu sản xuất nấm như không xử lý kỹ rơm, rạ trước khi ủ, nên bị các loại nấm ký sinh cạnh tranh dinh dưỡng, gây bệnh, làm cho nấm rơm không phát triển và chết; không điều chỉnh được nhiệt độ thích hợp trong các giai đoạn sinh trưởng của nấm; chất lượng meo nấm không đảm bảo, bị nhiễm nấm dại; khu vực sản xuất nấm không được vệ sinh sạch sẽ, ẩm thấp…
 
Mặc dù trồng nấm rơm không khó, nhưng phải kỹ, vì nấm là giống rất ưa sạch. Do đó để thành công thì yêu cầu trước hết là bà con cần tuân thủ đầy đủ các khâu trong xử lý nguyên liệu. Đây là khâu quan trọng, vì nó quyết định năng suất và chất lượng nấm rơm. Trước khi ủ phải xử lý rơm qua nước vôi theo hai cách: Cách 1: Rơm rạ khô được làm ướt trong nước vôi (3,5-4 kg vôi hoà trong 1m3 nước) cho rơm ngấm đủ nước vớt rơm lên để ráo rồi đánh đống. Cách 2: Ngâm rơm rạ khô xuống ao, hồ, mương… vớt lên bờ để ráo nước rồi ủ đống.
 
Trải lớp rơm rạ khô ra sân bãi, phun trực tiếp bằng máy bơm hoặc ô doa trong nhiều giờ đến khi rơm rạ đủ ướt sẽ có màu nâu sẫm, lấy nước vôi tưới lên lần cuối, để rơm ráo rồi đem ủ… Ngoài ra, khâu chọn meo giống cũng có ảnh hưởng lớn đến năng suất nấm. Chọn được meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn, sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt. Chú ý khi chọn meo giống không chọn sử dụng bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại. Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua…       

About Hải Hồ

Lượm lặt những bài viết trên internet, nhờ Wordpress giữ giúp rồi 1 ngày đẹp trời nào đó đem ra xài.....
This entry was posted in Mushroom, Nấm. Bookmark the permalink.

Leave a comment