Ngân hàng Hợp tác xã và sự an toàn hoạt động của hệ thống QTDND

TS. Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT QTDTW

Luật các TCTD năm 2010 đã xác định TCTD là hợp tác xã bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND; trong đó Ngân hàng Hợp tác xã là Ngân hàng của tất cả các QTDND do các QTDND và một số pháp nhân góp vốn thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hoà vốn trong hệ thống các QTDND.
Trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu tổ chức lại hợp tác xã tín dụng ở nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu vốn ngày càng lớn và cấp bách theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cũng như các yêu cầu triển khai thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn nông nghiệp nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định số 390/TTg ngày 27/7/1993 cho phép thí điểm thành lập QTDND tại Việt Nam.
Đến nay sau 18 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã đạt được mục tiêu hình thành và phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng trên địa bàn nông thôn; khai thác được nguồn vốn tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình QTDND. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay cũng bộc lộ một số yếu kém, tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của toàn hệ thống. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND cũng như đối với tình hình kinh tế, an ninh, xã hội đang là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết đối với các nhà quản lý điều hành hoạt động ngân hàng cũng như đối với toàn xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang có chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế cũng như cơ cấu lại hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Có thể nói, QTDND là loại hình TCTD thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất và cũng dễ xảy ra đổ vỡ nhất so với các loại hình TCTD khác. Nguyên nhân chủ yếu do QTDND là loại hình TCTD hợp tác hoạt động chủ yếu là huy động vốn để cho vay đối với các thành viên ở khu vực nông nghiệp, nông thôn là nơi mặt bằng kinh tế còn thấp, sản xuất và kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro (do phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan từ thời vụ, thiên tai, giá cả…). Trong khi đó, quy mô hoạt động và năng lực tài chính của các QTDND thường nhỏ bé, trình độ của đội ngũ cán bộ và nhân viên còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tuy các QTDND là các pháp nhân độc lập về kinh tế, hoạt động trên địa bàn ở nhiều vùng địa phương khác nhau nhưng lại có cùng một tên gọi, chung một biểu tượng, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động kinh doanh, đồng thời khả năng “miễn dịch”, tự bảo vệ của mỗi QTDND còn rất hạn chế. Vì vậy, khi một QTDND gặp khó khăn thì xảy ra khả năng phản ứng dây chuyền lây lan cho các QTDND khác trong hệ thống là rất cao, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời thì đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống là khó tránh khỏi.
Mặt khác, tuy thị phần của các QTDND chỉ chiếm một tỷ trọng không lớn lắm so với toàn bộ hệ thống các TCTD nhưng về mặt số lượng khách hàng, thành viên thì lại rất đông đảo và đa số thuộc tầng lớp dân nghèo, sản xuất kinh doanh nhỏ, rất dễ bị tổn thương bởi hậu quả do sự đổ vỡ QTDND gây ra. Do đó, việc xảy ra đổ vỡ (nếu có) trong hoạt động của các QTDND có ảnh hưởng rất lớn đối với ổn định, an ninh, chính trị xã hội và kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào.
Hơn nữa, do QTDND là một loại hình TCTD được phép huy động tiền gửi để cho vay các thành viên nên việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của QTDND cũng phải tuân theo nguyên tắc chung về bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên do có sự khác biệt về quy mô, phạm vi và nhất là mục tiêu hoạt động so với các loại hình ngân hàng khác hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận nên việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của QTDND có những đòi hỏi khách quan khác, đồng thời cũng có những yếu tố đặc thù so với việc bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng nói chung.
Để có thể đề ra các biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động của QTDND, trước tiên chúng ta phải nghiên cứu những rủi ro chủ yếu xảy ra trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và trong hoạt động của QTDND nói riêng từ đó đưa ra các giải pháp xử lý khắc phục những rủi ro đó. Hoạt động ngân hàng thường gắn với rất nhiều rủi ro khác nhau; tuy nhiên do hoạt động của các QTDND hiện nay chủ yếu là huy động vốn để cho vay các thành viên nên rủi ro xảy ra trong hoạt động của QTDND cũng chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực tín dụng và đảm bảo khả năng thanh khoản.
Về rủi ro tín dụng
Đây là loại rủi ro lớn nhất trong hoạt động của QTDND vì hoạt động chủ yếu của các QTDND là nghiệp vụ tín dụng. Để phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, các nhà quản lý hoạt động QTDND thường sử dụng một số biện pháp sau: phân tán rủi ro dưới hình thức đa dạng hoá loại hình khách hàng, đa dạng hoá loại hình cho vay, đồng tài trợ cho vay… Nghiên cứu phân tích, nhận định đánh giá khách hàng trong suốt quá trình từ nghiên cứu hồ sơ giải quyết cho vay, quyết định cho vay và kiểm tra sau khi cho vay nhằm phát hiện trước các dấu hiệu rủi ro để có biện pháp chủ động xử lý kịp thời; nghiên cứu tình hình kinh tế, nhất là tình hình tài chính – tiền tệ để xây dựng các chính sách tín dụng phù hợp trong từng giai đoạn; nghiên cứu áp dụng các hình thức đảm bảo tín dụng (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh…) chắc chắn để dễ dàng xử lý khi rủi ro xảy ra; Tổ chức thu thập, xử lý thông tin về rủi ro tín dụng đối với khách hàng; chủ động xử lý đối với các khoản nợ có vấn đề…
Về rủi ro thanh khoản
Đây là loại rủi ro chung đối với tất cả các TCTD có huy động tiền gửi. Tuy nhiên các TCTD có quy mô nhỏ bé phạm vi hoạt động và năng lực tài chính hạn chế là những TCTD bị tác động mạnh mẽ nhất bởi loại rủi ro này. Để xử lý vấn đề này, mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo khả năng chi trả kịp thời của QTDND với chi phí hợp lý; đồng thời dự đoán các nguy cơ về tổn thất thanh khoản có thể xảy ra. Từ mục tiêu trên các nhà quản lý điều hành QTDND phải xác định và phân tích mối liên kết giữa cung và cầu thanh khoản để từ đó đề ra chiến lược quản lý tài sản nợ, tài sản có một cách hợp lý (ví dụ như quản lý tài sản nợ thì phải có chiến lược phát triển cơ sở nguồn vốn vững chắc bằng cách đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới có sức hấp dẫn, đồng thời phải có chiến lược đa dạng hoá các nguồn vốn, tăng cường nguồn vốn dài hạn với lãi suất phù hợp… về quản lý tài sản có thì phải tạo ra một dự trữ bảo đảm khả năng thanh khoản bao gồm dự trữ sơ cấp và dự trữ thứ cấp một cách hợp lý).
Từ những đặc điểm nói trên, có thể thấy rủi ro thanh khoản đang là điểm yếu nhất đối với các QTDND cơ sở hiện nay. Ngoài ra, kể cả đối với các QTDND cơ sở tự mình chấp hành tốt quy định về bảo đảm khả năng chi trả thì do phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, năng lực tài chính hạn chế nên khi phải đối mặt với rủi ro thanh khoản bất thường mà tự mình không thể giải quyết được, thì các QTDND này cũng vẫn rất dễ rơi vào tình trạng mất an toàn và có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Vì vậy, để đảm bảo an toàn về thanh khoản cho từng QTDND cơ sở cũng như đối với cả hệ thống QTDND đòi hỏi phải có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa QTDND cơ sở với QTDND Trung ương nhằm thực hiện tốt việc điều hoà vốn từ nơi có QTDND thừa vốn đến nơi có QTDND thiếu vốn trên phạm vi toàn quốc.

Luật các TCTD năm 2010 đã xác định TCTD là hợp tác xã bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND; trong đó Ngân hàng Hợp tác xã là Ngân hàng của tất cả các QTDND do các QTDND và một số pháp nhân góp vốn thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hoà vốn trong hệ thống các QTDND. Như vậy, để thực hiện Luật này, QTDND Trung ương sẽ phải chuyển đổi hoạt động theo mô hình Ngân hàng Hợp tác xã nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND hoạt động ổn định, phát triển an toàn và bền vững hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, sau khi QTDND Trung ương chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã cần phải khẩn trương đổi mới công tác điều hoà vốn.
Theo đó, cần quán triệt việc điều hoà vốn thông suốt giữa QTDND cơ sở lên Ngân hàng Hợp tác xã và ngược lại từ Ngân hàng Hợp tác xã xuống đến QTDND cơ sở là một yêu cầu có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động của hệ thống QTDND. Muốn vậy, bản thân QTDND Trung ương hiện nay cũng đã xác định và có cơ chế ưu đãi để tập trung huy động nguồn vốn điều hoà của các QTDND cơ sở tạm thời nhàn rỗi nhằm hỗ trợ cho các QTDND cơ sở thiếu vốn. Tuy nhiên, bản thân các QTDND cơ sở cũng cần quán triệt và thực hiện tốt việc gửi vốn tạm thời nhàn rỗi tại QTDND Trung ương (sau này là Ngân hàng Hợp tác xã) nhằm tăng cường tính liên kết, đảm bảo khả năng thanh khoản chung của toàn hệ thống QTDND.
Bên cạnh đó, việc điều hoà vốn dựa trên cơ sở thoả thuận giữa Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND cơ sở nhưng phải tuân thủ theo các quy định tại Quy chế điều hoà vốn trong hệ thống QTDND do Ngân hàng Hợp tác xã ban hành sau khi được Thống đốc NHNN chấp thuận, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các QTDND cơ sở.
Đồng thời cần xây dựng và vận hành tốt hệ thống thanh toán nội bộ nhằm phục vụ cho việc thực hiện dịch vụ thanh toán nội bộ trong hệ thống QTDND, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hoà vốn từ nơi có QTDND cơ sở thừa vốn đến nơi có QTDND cơ sở thiếu vốn trên phạm vi toàn quốc và khắc phục tình trạng thanh toán, vận chuyển tiền mặt vừa mất an toàn vừa chậm trễ hiện nay của các QTDND cơ sở; tiến tới phục vụ dịch vụ thanh toán đối với khách hàng và thành viên của các QTDND cơ sở ra ngoài hệ thống ngày một rộng rãi hơn và thuận lợi hơn…
Mặt khác, các QTDND cơ sở cần được cung cấp các dịch vụ liên kết trong hoạt động kinh doanh như tư vấn, tập huấn nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch và chiến lược hoạt động kinh doanh, trao đổi cung cấp thông tin, nghiên cứu thị trường nắm bắt các nhu cầu khách hàng để tạo ra các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới… mà bản thân từng QTDND cơ sở không thể đáp ứng được. Với tư cách là tổ chức ngân hàng đầu mối của hệ thống, sau khi QTDND Trung ương được chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã, tổ chức này cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống bộ máy từ Hội sở chính cho đến các chi nhánh, đồng thời nhanh chóng phát triển các loại sản phẩm dịch vụ phù hợp cũng như xây dựng cơ chế hoàn chỉnh để thực hiện tốt công tác phục vụ, chăm sóc hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTDND cơ sở thành viên.
Để cho Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND cơ sở xây dựng mối liên kết hệ thống về mặt kinh tế một cách chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống, NHNN Việt Nam cần nghiên cứu ban hành các quy định về mặt tổ chức và hoạt động đối với NHNN tác xã theo hướng mở rộng quyền tự chủ, đầy đủ chức năng kinh doanh như các NHTM để tăng cường năng lực tài chính và phạm vi hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ ngày càng một tốt hơn cho hoạt động của các QTDND cơ sở.
Với khuôn khổ pháp lý mới mở rộng hơn và thông thoáng hơn, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam và sự đóng góp tích cực của các QTDND cơ sở thành viên, có thể tin tưởng rằng sau khi QTDND Trung ương chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã – tổ chức ngân hàng đầu mối này sẽ phát huy ngày càng tích cực hơn vào việc hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần đảm bảo cho hoạt động của hệ thống QTDND ngày càng ổn định hơn, an toàn hơn và phát triển bền vững hơn; qua đó đóng góp ngày càng tích cực hơn vào việc phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn của nước ta…

About Hải Hồ

Lượm lặt những bài viết trên internet, nhờ Wordpress giữ giúp rồi 1 ngày đẹp trời nào đó đem ra xài.....
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment